K-pop Myths (Kì 9): Knet tiêu chuẩn kép: sự ích kỷ đối với thần tượng
K-pop Myths (Kì 9): Knet tiêu chuẩn kép: sự ích kỷ đối với thần tượng
Tiêu chuẩn kép tại K-pop khiến người hâm mộ đôi khi cũng sợ hãi nhưng idol vẫn luôn phải đối diện với điều này.
“Hãy trở nên tử tế bất cứ khi nào có thể. Trên thực tế, ai cũng có thể là người tử tế” - Dalai Lama XIV
Thần tượng hào nhoáng, công chúng Hàn độc hại. Đó là bức tranh về làng giải trí xứ Hàn. Người hâm mộ chẳng còn xa lạ với việc idol phải đối diện với tiêu chuẩn kép của Knet. Chỉ cần netizen Hàn phật ý, thần tượng dù ở bất cứ trường hợp nào cũng có thể “ăn chửi”.
Thần tượng K-pop dù trong trường hợp nào cũng đều phải chịu sự chỉ trích của Knet. (Ảnh: Twitter)
Chửi - vì không vừa ý
Đứng ở đỉnh cao trong sự nghiệp, BLACKPINK từng bước Mỹ tiến. Từ đây, Jisoo liên tục bị chê bai vì kỹ năng tiếng Anh yếu hơn 3 thành viên còn lại. Dễ thấy trong các cuộc trò chuyện bằng ngoại ngữ, Jisoo rất kiệm lời, cô nàng chỉ thể hiện nụ cười trên môi. Knet không vì Jisoo là người Hàn, sinh ra và lớn lên ở xứ kim chi nên đối xử nhẹ nhàng với cô. Thay vào đó, nữ idol bị gắn mác “có đỏ nhưng không có thơm”.
Jisoo từng chịu nhiều chỉ trích vì khả năng tiếng Anh kém. (Ảnh: Chụp màn hình)
Cùng 1 vấn đề “khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh”, Knet lại đối xử nhẹ nhàng với BTS. Giống như BLACKPINK, BTS có nhiều cơ hội tham gia các sự kiện quốc tế. Ngoài RM, 6 thành viên còn lại không thực sự sõi tiếng Anh. Dù vậy, Knet chưa từng nặng lời hay mỉa mai những thành viên ấy bất tài.
So với RM, các thành viên còn lại của BTS đều không nói tiếng Anh bằng. (Ảnh: Twitter)
Sự “hai mặt” của Knet còn thể hiện ở hành động idol mặc gì cũng chẳng vừa ý. Trong khoảng thời gian quảng bá Dun Dun Dance cùng Oh My Girl, Arin diện chiếc áo nơ hồng khoe dáng. Tuy nhiên, chiếc áo lại là sản phẩm nhái từ thiết kế của thương hiệu Chanel vốn được Jennie lăng xê trước đó. Arin phải đối diện với làn sóng chỉ trích từ đông đảo cư dân mạng, cho rằng cô nàng cố tình sao chép BLACKPINK. Hay BTS đến nay cũng bị “đào bới” chuyện mặc đồ nhái Gucci vào khoảng thời gian mới ra mắt.
Arin từng bị chỉ trích vì mặc đồ nhái của Chanel. (Ảnh: Mnet)
Mặc đồ nhái và bị chê bai là chuyện dễ hiểu song đến cả đồ hiệu cũng khiến netizen Hàn phản ứng gay gắt thì khó lý giải. Với tần suất lên bìa tạp chí như cơm bữa, BLACKPINK đều diện trang phục xa xỉ của Dior, YSL, Chanel hay CELINE. Được các ông lớn thời trang cưng chiều, hình ảnh nhóm nữ nhà YG phủ sóng rộng khắp các trung tâm thương mại. Các cô gái bị mỉa mai cố tình khoe khoang, bị cho là cố tình khuyến khích việc sử dụng đồ đắt đỏ làm lãng phí tiền của.
Khi hình ảnh các thành viên BLACKPINK xuất hiện quá nhiều ở các trung tâm mua sắm, nhóm cũng bị chỉ trích vì quảng bá đồ xa xỉ. (Ảnh: Twitter)
Vấn đề lớn của Knet trong việc tiêu chuẩn kép chính là sự phân biệt giữa idol nam và idol nữ. Hyunjin (Stray Kids) là cái tên “sáng chói” trong làng vướng scandal, bị tố bắt nạt học đường và đã phải xin lỗi. Nam thần tượng có khoảng thời gian đóng băng hoạt động nhưng chẳng bao lâu sau đó, JYP đã thông báo anh sẽ comeback. Như chưa từng một lần phạm sai lầm, Knet vẫn “giang tay ôm lấy Hyunjin vào lòng”.
Trái ngược với sự may mắn của Hyunjin, Soojin ((G)-IDLE) khi rơi vào cáo buộc bạo lực học đường thì sự nghiệp dường như đã đi vào ngõ cụt. Giữa tháng 8/2021, công ty chủ quản thông báo Soojin rời nhóm vì loạt ồn ào. Đến nay, việc Soojin sẽ hoạt động như thế nào tại làng giải trí xứ Hàn là một câu hỏi còn bị bỏ ngõ.
Knet có tiêu chuẩn kép, suy cho cùng chỉ là phục vụ sự ích kỷ, những định kiến cá nhân của chính mình.
Những tổn thương sâu trong tiềm thức
Tiêu chuẩn kép tựa như một vũ khí trá hình đẩy thần tượng vào những suy nghĩ tiêu cực, chịu ảnh hưởng tâm lý nặng nề. Nhiều người hâm mộ phải tự hỏi rằng đến bao giờ idol nữ sẽ được đối xử tốt hơn?
Vào khoảng tháng 8/2019, Suga (BTS) khiến dân tình ngỡ ngàng vì tăng cân. Hình ảnh mũm mĩm của nam idol trên sân khấu lại được đánh giá là đáng yêu.
Suga cũng có thời điểm tăng cân nhưng Knet lại rất nhẹ nhàng với nam idol. (Ảnh: Twitter)
Ở một trường hợp khác, Umji (GFriend) và Jihyo (TWICE) lại chính là nạn nhân trong những định kiến về ngoại hình của Knet. Hai nữ thần tượng bị chê bai vì ngoại hình kém thon gọn. Umji biết rõ sự ghét bỏ Knet dành cho mình nên từng rụt rè núp sau lưng MC Irene tại Music Bank, tránh bị máy quay ghi hình. Jihyo phải thừa nhận rằng cô gặp phải áp lực tinh thần lớn, tự ti về cân nặng vì phải đối diện quá nhiều bình luận ác ý.
Tiêu chuẩn kép của Knet đã tạo ra sự bất công giữa idol nam và idol nữ, giữa nhóm nhạc nổi tiếng và kém nổi. Dù làng giải trí K-pop đã chuyển giao qua nhiều thế hệ nhưng tư tưởng của netizen Hàn không hề “dịch chuyển”.
Umji và Jihyo đã chịu nhiều tổn thương vì sự kì thị của Knet. (Ảnh: Twitter)
Thậm chí, người ta quên mất rằng những tiêu chuẩn khắt nghiệt Knet đặt ra vốn không phải điều thần tượng nhất định phải đạt được. Một idol xứ Hàn không bị ràng buộc bởi quy định phải giỏi tiếng Anh, càng không nhất định phải tiêu xài tiết kiệm, tránh xa những món hàng hiệu. Một idol đẹp là lợi thế, nhưng vóc dáng kém mảnh mai không phải là lỗi lầm.
Jisoo không nói tiếng Anh chuẩn mực nhưng cô ấy là mảnh ghép hoàn hảo của BLACKPINK. Nữ idol hội đủ yếu tố ngoại hình, kỹ năng hát và nhân cách tốt. Nhìn vào sự thành công của BLACKPINK, rõ ràng những chuẩn mực của 1 idol chính là hát, nhảy, rap và một định hướng phong cách tốt.
Hay BTS cũng là đại diện để nhận ra rằng idol cần đáp ứng về điều gì. RM không sở hữu vẻ ngoài điển trai so với mặt bằng chung của thần tượng nam nhưng năng lực của anh là điều chẳng ai phủ nhận được.
BLACKPINK cho thấy rằng tiêu chuẩn của một thần tượng là năng lực âm nhạc và định hướng phong cách đúng đắn. (Ảnh: Twitter)
Tất nhiên, bất kỳ ai trở thành một idol đều phải đáp ứng nhiều chuẩn mực, bao gồm tài năng và nhân cách. Và chỉ dừng lại ở đó. Thần tượng vốn không phải con rối mặc Knet điều khiển theo ý thích, chỉ trích nếu chẳng may có điều gì phật lòng. Nếu không thể ủng hộ một ai đó cũng đừng bằng cách này hay cách khác đẩy họ vào đường cùng.