7 lời khuyên hữu ích cho gia đình có con mắc bệnh tiểu đường
LĐO |
Cậu bé mắc bệnh tiểu đường người Hà Lan Ruben van As, 7 tuổi, chơi với robot Charlie khi robot đang dạy cậu bé cách ứng phó với bệnh tại bệnh viện Gelderse Vallei ở Ede, Hà Lan năm 2016. Ảnh: AFP
Khi có con bị bệnh tiểu đường, các bậc cha mẹ cũng phải chú ý tới lối sống để giúp con có một cuộc sống đầy đủ và khỏe mạnh.
1. Hỗ trợ như một gia đình
Khi có con bị tiểu đường, cuộc sống của cả gia đình cũng sẽ chịu ảnh hưởng. Anh chị em trong nhà có thể không thoải mái khi trẻ mắc tiểu đường được chú ý nhiều hơn cũng như việc bản thân chúng phải theo chế độ ăn uống lành mạnh thay vì được ăn đồ ăn vặt tự do như trước.
Wonderwall.sg lưu ý, điều quan trọng là phải hỗ trợ trẻ mắc bệnh tiểu đường để chúng không cảm thấy đơn độc hoặc chúng bị đổ lỗi cho tình trạng sức khỏe của mình. Do đó, hãy để con cảm nhận được sự yêu thương và hỗ trợ đủ nhiều để có động lực kiểm soát tình trạng của bản thân, sống khỏe mạnh và hạnh phúc.
2. Tạo lập chuỗi thói quen
Trẻ em có thể kiểm soát bệnh tiểu đường tốt hơn khi có một lịch trình ăn uống điều độ, sử dụng insulin đúng giờ, có kế hoạch trước và ăn nhẹ trước khi tập thể dục cũng như theo dõi lượng đường trong máu trong ngày.
Thông báo cho nhân viên ở trường về việc con bạn mắc bệnh tiểu đường cũng rất quan trọng, để con bạn có thể tham gia các hoạt động trong lớp học (thể thao hoặc các hoạt động ngoại khóa) một cách bình thường nhất có thể.
3. Cả nhà cùng ăn uống lành mạnh
Tránh các loại thực phẩm như gạo lứt, mì ống nguyên hạt, ngô, đậu, khoai lang, bánh mì nâu và ngũ cốc nguyên hạt. Khuyến khích các loại rau như súp lơ xanh, súp lơ trắng, cần tây, dưa chuột, ớt và bí ngòi. Những loại thực phẩm này có hàm lượng carbohydrate thấp, giúp con bạn cảm thấy no một cách tự nhiên. Chúng không chỉ bổ sung thêm chất xơ vào chế độ ăn uống mà còn giúp giảm lượng đường bổ sung từ mỗi bữa ăn.
Bên cạnh đó, thực hành kiểm soát khẩu phần để tránh ăn quá nhiều đồng thời tránh ép con bạn ăn hết thức ăn trong đĩa nếu chúng không thể.
4. Hạn chế tối đa đồ ăn vặt
Loại bỏ thực phẩm giàu calo - dinh dưỡng thấp như sô-đa, nước ép trái cây, đồ uống có đường khác và đồ ăn vặt khỏi chế độ ăn của gia đình. Thay vào đó, hãy chú trọng đến nước và hướng dẫn con lựa chọn thực phẩm lành mạnh như thịt nạc, không da và các sản phẩm từ sữa ít béo.
Để con bạn tự mang bữa trưa và bữa ăn nhẹ lành mạnh từ nhà nếu ở trường không có chế độ ăn phù hợp cho tình trạng sức khỏe của trẻ. Đồ ăn nhẹ lành mạnh, ít calo có thể bao gồm rau củ, trái cây và pho mát ít béo.
5. Nấu ăn ở nhà thay vì ăn hàng
Giảm thiểu việc ăn ở ngoài mọi lúc có thể thực sự giúp con bạn kiểm soát chế độ ăn uống và lượng calo tiếp nhận. Chọn bơ thực vật và dầu thực vật không có chất béo chuyển hóa như dầu hạt cải, ngô, hướng dương, đậu nành hoặc ô liu.
Ngoài ra, tránh chiên ngập dầu và chọn các phương pháp nấu ăn lành mạnh hơn, không có chất béo như nướng, luộc hoặc hấp.
6. Là tấm gương tập thể dục và ăn uống lành mạnh
Hãy biến ăn uống lành mạnh và tập thể dục thành thói quen sống của gia đình bạn. Đây là cách tuyệt vời để gắn kết và dành thời gian chất lượng cho nhau. Trẻ em có xu hướng học theo gương của cha mẹ. Vì vậy, hãy là tấm gương tốt, chọn thực phẩm lành mạnh và lối sống năng động để truyền cảm hứng cho con bạn.
Hãy cắt giảm thời gian sử dụng thiết bị điện tử, khuyến khích con thời gian hoạt động ngoài trời như đi bộ, đạp xe hoặc chơi thể thao. Tùy thuộc vào hoạt động mà con bạn thực hiện, hãy lên kế hoạch thêm một chút thời gian để trẻ ăn nhẹ trước để đảm bảo sức khỏe khi vận động.
7. Vừa bảo vệ vừa khuyến khích trẻ độc lập
Quan tâm bảo vệ con bị tiểu đường là điều rất bình thường, nhưng bảo vệ quá mức thực sự có thể có tác động tiêu cực đến con bạn, vì có thể thúc đẩy cảm giác tự ti và bất lực.
Hãy khuyến khích con tự chủ trong kiểm soát chế độ ăn uống, biết cách đối phó với tình trạng hạ đường huyết - ví dụ mang sẵn kẹo dự phòng mọi lúc.
Ngoài ra, khuyến khích con bạn kể cho bạn bè nghe về dấu hiệu bệnh tiểu đường và dạy bạn bè phải làm gì trong trường hợp bị hạ đường huyết.