4 kiểu ứng xử ai cũng cần phải biết nếu muốn được người khác tôn trọng
Học cách tôn trọng người khác là cả một quá trình dài của mỗi người. Dưới đây là 4 kiểu tôn trọng bạn gần như buộc phải có trong cuộc sống nếu muốn nhận được sự tôn trọng từ những người xung quanh.
1. Biết cách tôn trọng khuyết điểm của người khác
Nhân vô thập toàn, mỗi người trong chúng ta đều sẽ có ít nhiều những ưu nhược điểm, những thiếu sót khác nhau. Chúng ta cũng thường chứng kiến những người khuyết tật tự nhiên mà bị cười nhạo, cũng có những người bị cười nhạo, coi thường vì những điểm yếu.
Coi thường, cười nhạo, chọc ghẹo người khác đều từ một nguyên nhân sâu xa là sự thiếu tôn trọng của bạn đối với người khác mà ra. Hãy nhớ rằng, tôn trọng người khác cũng chính là tôn trọng chính mình.
Một người biết tôn trọng người khác sẽ giống như không khí trong lành, khiến mọi người thấy dễ chịu, thoải mái khi tiếp cận. Ngược lại, kẻ hay chê cười người khác như không khí độc, chỉ khiến mọi người muốn bỏ chạy mà thôi.
2. Biết cách tôn trọng công việc của người khác
Tôn trọng công việc của người khác được coi là một đức tính xã hội thiết yếu. Trong cuộc sống này không có sự phân biệt giữa nghề cao quý với nghề hèn hạ.
Mỗi người đang sống, đang lao động đều phải bỏ công sức, bỏ nỗ lực ra để đổi lại thành quả xứng đáng. Chỉ cần công việc đó không vi phạm pháp luật, không trái ngược với đạo đức đều xứng đáng nhận được sự tôn trọng của người khác.
Học sinh tôn trọng công việc của giáo viên, nhưng không chỉ tôn trọng bằng lời nói, mà còn là hành động, ví dụ như học tập chăm chỉ hơn, mang lại kết quả học tập tốt. Đấy là cốt lõi của sự tôn trọng.
Người qua đường tôn trọng công việc của cảnh sát giao thông, tuân thủ theo những hiệu lệnh của người cảnh sát, nhằm đảm bảo an toàn đường bộ cho bản thân, lẫn mọi người xung quanh.
Người dân tôn trọng công việc của một công nhân vệ sinh, tức là ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường, không vứt rác bừa bãi. Nhờ vậy môi trường sống trở nên sạch sẽ hơn.
3. Biết cách tôn trọng thói quen, tôn trọng văn hóa của người khác
Mỗi người trong cuộc sống đều có những thói quen sống, những phong cách riêng chứa đựng nét văn hóa khác biệt, không ai giống ai vẹn toàn.
Vậy nên từ trong gia đình đến xã hội, tôn trọng thói quen, văn hóa của người khác chính là điều kiện cho mối quan hệ hòa thuận và để được người khác tôn trọng.
Đừng áp đặt thói quen của mình lên người khác. Cần phải học cách tôn trọng lẫn nhau, hòa nhập với nhau. Hẳn nhiên, tôn trọng cũng không phải là con đường một chiều, mà là hai chiều. Món quà quý giá nhất dành cho người thương yêu không phải hoa hay quà đắt tiền, mà là sự thấu hiểu và tôn trọng.
4. Biết cách tôn trọng ý tưởng và sự lựa chọn của người khác
Giao tiếp là một con đường hai chiều. Nếu bạn tôn trọng ý tưởng và chọn lựa của người khác, họ cũng sẽ tôn trọng bạn và lắng nghe bạn. Ngược lại, họ cũng tìm cách chống đối bạn, coi thường bạn và "vượt mặt" bạn.
Một phụ huynh có trình độ càng phải tôn trọng ý tưởng của con trẻ, thay vì suy nghĩ coi thường "chỉ là đứa trẻ ranh". Một người lãnh đạo có năng lực càng phải tôn trọng ý tưởng của cấp dưới, thay vì tư tưởng trù dập, coi thường.
Mỗi người là một cá thể độc lập trong xã hội, thế nên không ai có quyền dẹp bỏ ý tưởng, suy nghĩ của người khác và lấn át họ, đề cao mình. Hẳn nhiên bạn có thể bất đồng quan điểm với đối phương, nhưng bạn phải tôn trọng lựa chọn của họ, lắng nghe điều họ nói.